Thang đo mức độ nhận thức được phát triển bởi nhà nghiên cứu giáo dục Benjamin Bloom, giáo sư trường đại học Chicago, Mỹ. Bloom đưa ra sáu mức độ nhận thức gọi là thang đo Bloom (Bloom's taxonomy). Thang đo này được sử dụng hơn năm thập kỷ qua và đã chứng minh được sự hiệu quả của nó trong giáo dục.
Theo đó, 6 mức độ nhận thức của Bloom được cụ thể như sau:
Nhớ (knowledge)
Nhớ là khả năng ghi nhớ và nhận diện thông tin của người học. Ở cấp độ nhận thức này người học lặp lại được những thông tin được hỏi, ví dụ trình bày được định luật, định lý được học.
Để đánh giá mức độ nhớ của người học, khi đặt câu hỏi kiểm tra người dạy dùng những động từ như là: liệt kê, gọi tên, định danh, giới thiệu/chỉ ra, xác định, nhận biết, nhớ lại, đối chiếu, phân loại, mô tả, định vị, phác thảo, lấy ví dụ, phân biệt quan điểm từ thực tế…
Hiểu (comprehension)
Hiểu là khả năng hiểu, diễn dịch, diễn giải, giải thích hoặc suy diễn (dự đoán được kết quả hoặc hậu quả). Hiểu không đơn thuần là nhắc lại cái gì đó. Người học phải có khả năng diễn đạt khái niệm theo ý hiểu của họ.
Với mục đích đánh giá xem sinh viên hiểu bài đến đâu, người dạy có thể dùng các động từ sau trong câu hỏi kiểm tra: diễn giải, phân biệt, chứng tỏ, hình dung, trình bày lại, viết lại, lấy ví dụ, tóm tắt, giải thích, diễn dịch, mô tả, so sánh, chuyển đổi, ước lượng…
Áp dụng (application)
Áp dụng là khả năng sử dụng thông tin và chuyển đổi kiến thức từ dạng này sang dạng khác (sử dụng những kiến thức đã học trong hoàn cảnh mới). Áp dụng là bắt đầu của mức tư duy sáng tạo. Tức là Áp dụng những gì đã học vào đời sống hoặc một tình huống mới.
Để đánh giá khả năng Áp dụng của sinh viên, thì câu hỏi mà người dạy sử dụng thường có những động từ sau: áp dụng, phân loại, sửa đổi, đưa vào thực tế, chứng minh, ước tính, vận hành, giải quyết, minh họa, tính toán, diễn dịch, thao tác, dự đoán, bày tỏ…
Phân tích (analysis)
Là khả năng nhận biết chi tiết, phát hiện và phân biệt các bộ phận cấu thành của thông tin hay tình huống. Ở mức độ này đòi hỏi khả năng phân nhỏ đối tượng thành các hợp phần cấu thành để hiểu rõ hơn cấu trúc của nó.
Muốn đánh giá khả năng phân tích của người học , khi đặt câu hỏi kiểm tra người dạy có thể sử dụng các động từ: đối chiếu, so sánh, chỉ ra sự khác biệt, phân loại, phác thảo, liên hệ, phân tích, tổ chức, suy luận, lựa chọn, vẽ biểu đồ, phân biệt…
Tổng hợp (synthesis)
Tổng hợp là khả năng hợp nhất các thành phần để tạo thành một tổng thể/sự vật lớn. Ở mức độ này người học phải sử dụng những gì đã học để tạo ra hoặc sáng tạo một cái gì đó hoàn toàn mới.
Các động từ có thể dùng cho câu hỏi kiểm tra với mục đích đánh giá khả năng tổng hợp của người học:thảo luận, lập kế hoạch, so sánh, tạo mới, xây dựng, sắp đặt, sáng tác, tổ chức, thiết kế, giả thiết, hỗ trợ, viết ra, báo cáo, hợp nhất, tuân thủ, phát triển…
Đánh giá (evaluation)
Đánh giá là khả năng phán xét giá trị hoặc sử dụng thông tin theo các tiêu chí thích hợp. (Hỗ trợ đánh giá bằng lý do/lập luận). Để sử dụng đúng mức độ này, sinh viên phải có khả năng giải thích tại sao sử dụng những lập luận giá trị để bảo vệ quan điểm. [1]
Vận dụng thang đo mức độ nhận thức để xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra và đánh giá mức độ đạt được của người học người dạy đối với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là phương pháp để đạt được mục tiêu giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bloom B. S. (1956). Taxonomy of Educational Objectives, Handbook I: The Cognitive
0 Post a Comment:
Đăng nhận xét